TRÊN ĐỜI NÀY LÀM GÌ CÓ ĐƯỜNG,
NGƯỜI TA NÓI MÃI CŨNG THÀNH ĐƯỜNG THÔI

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình của ông Lê Viết Hải đứng trước nguy cơ không thể duy trì hoạt động liên tục?

 Để cứu thanh khoản, lãnh đạo HBC bán tài sản, phát hành cổ phiếu, kiếm tiền trả nợ, đẩy rủi ro cho cổ đông. Tuy nhiên, số liệu mà đơn vị này gửi đến HNX lại thể hiện một bộ mặt khác. 

Tại ĐHĐCĐ bất thường vừa diễn ra, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã đưa ra phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tổng số lượng dự kiến là 274 triệu.

Trong đó, 107 triệu cổ phiếu dùng để hoán đổi nợ. Giá phát hành là 12.000 đồng/cổ phiếu. Điều này có nghĩa là mỗi 12.000 đồng nợ hoán đổi thành 1 cổ phiếu phát hành thêm. Các chủ nợ là nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất của HBC.

Như vậy, sau khi hoán đổi, chủ nợ sẽ trở thành cổ đông. Số cổ phiếu còn lại được chào bán riêng lẻ với phương thức phân phối trực tiếp cho nhà đầu tư. Số tiền thu được cũng được sử dụng để trả nợ.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC

Căn cứ BCTC giữa niên độ 2023 đã được kiểm toán bởi Ernst & Young, 1.718 tỷ đồng đã chảy ra khỏi số tài sản mà HBC đang sở hữu. Và trong số tài sản còn lại với tổng trị giá 13,876 tỷ đồng, thì đến 96% tồn tại dưới dạng hàng tồn kho, tiền nợ chưa thu hồi được và dạng thức dài hạn. Đặc biệt, đơn vị này trích lập dự phòng nợ khó đòi lên đến 2.480 tỷ đồng. Điều đó cho thấy rủi ro thanh khoản ở thời điểm hiện tại.

Đó là chưa xét đến số nợ mà HBC đang gánh lên đến 13.373 tỷ đồng. Nghĩa là 96% tài sản của đơn vị này hình thành từ các nguồn vay nợ. Con số này cũng cho thấy số nợ đã vượt 26,6 lần số vốn tự có và nợ ngắn hạn chiếm đến 81% trong tổng số nợ. Đến đây, rủi ro thanh khoản đã đặt vào thực trạng báo động. Con số tiền tệ lưu chuyển cũng cho thấy, đơn vị đã phải chi 2.730 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, trong khi thu từ đi vay là 1.829 tỷ đồng.

Đối với tình hình kinh doanh, số lỗ lũy kế ghi nhận đến giữa năm 2023 là 2.813 tỷ đồng, số lỗ tiếp tục tăng mạnh thêm 712 tỷ đồng chỉ trong nửa năm. Và trong 6 tháng đầu năm 2023, nguồn thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 51% so với cùng kỳ, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 116%. Song song, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 90%, nhưng chi phí lại tăng 18%. Sau cùng, đơn vị này tiếp tục thua lỗ thêm 713 tỷ đồng, trong kỳ cùng kỳ lãi gần 56 tỷ đồng.

Đối với các khoản vay, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2023, tổng nợ vay của HBC là 5.232 tỷ đồng. Trong đó, số nợ phải trả trong vòng 12 tháng tới lên đến 3.371 tỷ đồng. Đặc biệt, 1.650 tỷ đồng nợ vay quá hạn.

Chưa kể, HBC cũng tìm kiếm nguồn tiền qua kênh trái phiếu. Và trong số nợ trái phiếu 703 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán ACB “sa lầy” nặng nề khi thu xếp phát hành đến 89% trong số đó. Trái chủ bao gồm Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam và Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI.

Bên cạnh phát hành cổ phiếu để xoay tiền, đơn vị này dự kiến sẽ thanh lý máy móc, thiết bị để kiếm tiền cứu thanh khoản. Thực trạng cho thấy, ngay lúc này, nên chăng, cổ đông HBC đã nên vạch trước kịch bản doanh nghiệp không còn khả năng duy trì hoạt động liên tục để tìm cách thu hồi các khoản đầu tư, giảm thiểu rủi ro hiện hữu trong tương lai gần?

Điều kỳ lạ là, những con số mà HBC gửi đến HNX lại hoàn toàn trái ngược những gì được thể hiện trong BCTC giữa niên độ đã được xoát xét bởi Ernst & Young.

Cụ thể, trên báo cáo mà HBC gửi HNX, đối với tình hình tài chính hợp nhất, vốn chủ sở hữu ghi nhận đến 30/6/2023 là 1.294 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 546 tỷ đồng. Trong khi đó, BCTC đã được kiểm toán thể hiện rằng, vốn chủ sở hữu chỉ 503 tỷ đồng và kết quả kinh doanh lỗ ròng 713 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.