Dự án Eurowindow Riverpark – Người mua tháo chạy, cư dân phản đối vì bị bắt chẹt

Dự án Eurowindow Riverpark là “đứa con cưng” của Tập đoàn Eurowindow Holding (Chủ tịch Nguyễn Cảnh Sơn), tọa lạc tại chân cầu Đông Trù, huyện Đông Anh (Hà Nội) được giới thiệu là khu đô thị lý tưởng.

Cư dân sinh sống tại dự án Eurowindow Riverpark căng băng rôn phản đối chủ đầu tư tự ý cắt nước sinh hoạt.

Dự án Eurowindow Riverpark tọa lạc tại chân cầu Đông Trù, huyện Đông Anh (Hà Nội) được giới thiệu là khu đô thị lý tưởng. Song nhiều khách hàng sau khi chuyển tới chốn “an cư lạc nghiệp” lại bức xúc vì nhiều vấn đề nảy sinh.

Cư dân phản đối vì cho rằng bị bắt chẹt

Trong tháng 8 vừa qua, hàng loạt cư dân đang sinh sống tại dự án Eurowindow Riverpark đã căng băng rôn “biểu tình” phản đối do Ban Quản lý nhà chung cư đơn phương cắt nước của các hộ dân gần 20 ngày. Lý do cắt nước được cho là “người dân không đóng tiền nước”, khiến rất nhiều gia đình rơi vào cảnh cùng cực.

Chị L.T.L, cư dân sinh sống ở tòa Park 2, cho biết, tất cả các căn hộ bị cắt nước, đều mới được bàn giao trong năm 2023, thế nhưng, Ban Quản lý lại ép người dân nộp tiền phí dịch vụ tính từ tháng 4/2022. Cư dân thấy quá vô lý nên không nộp thì bị cắt nước sinh hoạt.

Cùng chung nỗi bức xúc, anh H.V.C, sống tại tòa Park 1 cho biết, cư dân đã cùng chia sẻ khó khăn với chủ đầu tư. Bởi, cuối năm 2021, đơn vị hoàn thành và nghiệm thu được hệ thống phòng cháy chữa cháy thì mới đủ điều kiện bàn giao căn hộ cho người dân. Trong khi đó, người dân vẫn nhẫn nhịn, chấp nhận cả nguy hiểm để “ở chui” trong chính căn hộ mình bỏ tiền ra mua.

“Còn rất nhiều sai phạm như không tập huấn phòng cháy chữa cháy, nhận nhà hơn 3 năm vẫn không có sổ hồng, quỹ bảo trì không được công khai, chưa tiến hành hội nghị nhà chung cư lần đầu. Cư dân vẫn hết sức thông cảm, chia sẻ với chủ đầu tư. Nhưng đến nay, Ban Quản lý vẫn thách thức người dân đi kiện và đáng nói hơn cả là những hành vi cắt nước một cách rất nhẫn tâm, không thể chấp nhận”, anh C cho hay.

Liên quan đến những phản ánh của cư dân, phóng viên đã liên hệ với ông Hà Huy Chinh, Giám đốc Ban Quản lý nhà chung cư, nhưng không nhận được phản hồi từ vị này.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Đặng Xuân Thiện, Chủ tịch UBND xã Đông Hội xác nhận: Trong tháng 8 vừa qua, có sự việc người dân căng băng rôn biểu tình phản đối việc Ban Quản lý nhà chung cư tự ý cắt nước vì lí do không đóng tiền.

Theo ông Thiện, sự việc xảy ra cũng không hoàn toàn là lỗi do cư dân, một phần do chủ đầu tư không thực hiện theo điều khoản hợp đồng ban đầu giữa hai bên.

“Tình trạng người dân căng băng rôn, chúng tôi đã xuống làm việc để đảm bảo an ninh trật tự địa bàn. Còn việc tranh chấp kiện cáo giữa cư dân và Ban Quản lý nhà chung cư, UBND xã đã mời cả hai bên lên đối thoại nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung”, Chủ tịch UBND xã Đông Hội cho biết.

Người mua tháo chạy

Có nhu cầu mua căn hộ 2 phòng ngủ, chị Nguyễn Phương Linh là chủ một thẩm mỹ viện tại Hà Nội, được sàn môi giới bất động sản ở huyện Đông Anh dẫn đi xem căn hộ dự án Eurowindow Riverpark. Sau khi xem căn hộ cùng cảnh quan, tiện ích, hạ tầng xung quanh dự án, chị Linh khá thích và đồng ý hẹn gặp chủ nhà để làm thủ tục mua lại căn hộ.

Tuy nhiên, trước khi đi đặt cọc, chị cẩn thận xem lại các thông tin về dự án thì mới biết dự án đang có vấn đề. Hàng chục hộ dân đã căng băng rôn phản đối chủ đầu tư dự án.

Tìm hiểu kỹ, chị Linh được biết, do nhóm cư dân bất đồng với chủ đầu tư về những dịch vụ tại dự án. Trong khi đó, hai bên đã nhiều lần gặp gỡ, tìm tiếng nói chung nhưng bất thành, vì vậy nhóm cư dân quyết “làm xấu mặt” chủ đầu tư để gây sức ép, yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện các kiến nghị của mình.

“Mặc dù khá thích vị trí dự án cũng như tính hợp lý của căn hộ, cảnh quan dự án lại khá ổn, song, thấy cư dân ầm ầm đi “tuần hành” như vậy, tôi đã bỏ ý định mua căn hộ tại dự án này. Một phần cũng vì thấy hoang mang, phần lớn hơn, tôi hơi duy tâm, nơi ở là chốn đi về bình yên, nếu sống trong môi trường thường xuyên xảy ra những vấn đề tranh cãi sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống”, chị Linh nói.

Chung cư xuống giá, mất thanh khoản

Theo quy luật thị trường bất động sản, các dự án chuẩn bị và sau khi bàn giao nhà bao giờ cũng lên giá ít nhiều do người mua đã nhìn thấy căn hộ hiện hữu cùng cảnh quan và tiện ích. Tuy nhiên, điều này thường không xảy ra với các dự án có cư dân sử dụng các biện pháp tiêu cực như căng băng rôn, tuần hành phản đối…

Ông Trần Minh Quân, một nhà đầu cơ bất động sản chuyên nghiệp khu vực quận Long Biên, cho biết, 90 – 95% các dự án khi bàn giao nhà đều “có chuyện” với cư dân. Tuy nhiên, dự án nào chủ đầu tư và cư dân tìm được tiếng nói chung bằng con đường hòa giải, thỏa thuận, đàm phán theo nguyên tắc “sai thì sửa sai, lỗi thì xin lỗi, bồi thường, khắc phục thỏa đáng” thì mọi việc khá êm thấm, không có hiện tượng căn hộ bị mất giá, mất thanh khoản.

Còn lại, 100% các dự án cư dân căng băng rôn biểu tình hay khiếu kiện tới truyền thông và các cơ quan quản lý Nhà nước, thậm chí gửi đơn cho cơ quan công an tố cáo chủ đầu tư làm sai so với cam kết, quảng cáo… thì đều có kết cục chung là xuống giá, mất tính thanh khoản.

“Điều này là bình thường vì tâm lý người mua nhà không ai muốn ở một chung cư mà toàn dính lỗi rồi kiện tụng căng thẳng. Bản thân người mua nhà vào các giai đoạn căn hộ đã hoàn công, bàn giao thì phần lớn là mua để ở, do đó yếu tố “an cư” bao gồm cả cộng đồng cư dân văn minh và chủ đầu tư giàu kinh nghiệm quản lý, phát triển dự án họ rất chú trọng. Thêm nữa, nhiều dự án, cư dân đấu tranh tới mức dự án bị thanh tra cũng chưa dừng lại, không ai muốn mua nhà để ở trong căng thẳng và rủi ro như vậy”, ông Quân phân tích.

Về hiện tượng “cư dân căng băng rôn, biểu tình, phản đối chủ đầu tư”, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật Tinh Thông nhìn nhận, việc cư dân căng băng rôn trước các dự án không sai, nhưng biện pháp này không hiệu quả và có nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy pháp lý nghiêm trọng.

“Ví dụ như cư dân có thể không kiểm soát được mình trong quá trình căng băng rôn hay đi biểu tình, tuần hành đông người, có thể dẫn tới xô xát với lực lượng bảo vệ an ninh tại dự án. Nếu điều này xảy ra, cư dân có thể bị liên lụy, thậm chí nghiêm trọng sẽ bị truy cứu hình sự”, luật sư Bình phân tích.

Bình luận (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.