Techcombank có là “sân sau” của ông nào?

Từ vụ án đang được điều tra, mở rộng về những sai phạm có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB, dư luận lại một lần nữa quan ngại về câu chuyện Ngân hàng vào vai “sân sau” của doanh nghiệp, nhóm lợi ích. Hãy cùng tìm hiểu về câu chuyện có liên quan đến Ngân hàng Techcombank.

Những mối liên hệ chéo

Sáng ngày 18/1/2024, 91,28% đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo khoản 1, 2, 3 trong Điều 63, tỷ lệ sở hữu tối đa với cổ đông cá nhân là 5% (không thay đổi), với tổ chức là 10% (giảm từ 15%) và cổ đông cùng người liên quan là 15% (giảm từ 20%).

Theo Báo cáo công khai của chính Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, TCB) vào ngày 15/09/2023, con gái ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank mua xong gần 82,2 triệu cổ phiếu, thời gian từ ngày 5 – 8/9. Sau giao dịch này, bà Hồ Thủy Anh sở hữu 104,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,975%.

Tại ngân hàng này, gia đình Chủ tịch Techcombank đang nắm giữ lượng cổ phiếu lớn. Trong đó, ông Hồ Hùng Anh đang nắm giữ hơn 39,3 triệu cổ phiếu TCB, tương đương với tỷ lệ sở hữu hơn 1,12%.

Ông Hồ Hùng Anh (phải) và ông Nguyễn Đăng Quang (trái)

Ông Hồ Hùng Anh, sinh năm 1970, có bằng kỹ sư Điện kỹ thuật đại học Bách khoa Kiev (Ukraine), là đồng sáng lập Masan Group, tập đoàn tư nhân đa ngành hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng – bán lẻ – nông nghiệp – khai khoáng. Ông Hùng Anh đầu tư cổ phần và trở thành thành viên hội đồng quản trị Techcombank từ năm 2004. Năm 2008, ông trở thành chủ tịch Techcombank và giữ vị trí này cho tới nay. Em trai ông Hùng Anh, ông Hồ Anh Ngọc là phó chủ tịch Techcombank từ năm 2021 sau quá trình làm việc lâu năm, trải qua nhiều vị trí lãnh đạo của Techcombank khu vực phía Nam.

Ở cương vị dẫn dắt Techcombank, ông Hùng Anh đã hoạch định chiến lược đưa nhà băng này trở thành ngân hàng tư nhân hàng đầu. Trong khi đó ông Hồ Anh Ngọc dẫn dắt Masterise Group – nhà phát triển dự án năng động – mở rộng quy mô nhanh chóng trong những năm qua. Năm 2013, Masterise chào bán ra thị trường dự án Masterise Thảo Điền và sau đó là các dự án chung cư thuộc phân khúc cao cấp Masteri Millennium; M-One Sài Gòn; M-One Gia Định. Năm 2020 đánh dấu bước ngoặt của Masterise khi phát triển các sản phẩm hạng sang như Grand Marina Saigon, Global City với giá bán có thể lên tới 500 triệu đồng/m2. Ngoài em trai, bà Nguyễn Hương Liên, em dâu ông Hùng Anh cũng tham gia điều hành Masterise Group. Con trai ông Hùng Anh, Hồ Anh Minh cũng tham gia kinh doanh, phụ trách việc phân phối bán hàng khu vực phía Bắc cho Masterise.

Như vậy có thể thấy, những thành viên đang nắm quyền điều hành Hội đồng quản trị tại Ngân hàng Techcombank cũng là những ông chủ của các tập đoàn lừng lẫy như Masan, Masterise (thuộc hệ sinh thái One Mount Group).

Về One Mount Group, theo bản đăng ký thông tin doanh nghiệp được công bố, cổ đông đang nắm 51,22%  cổ phần kèm nhà sáng lập của One Mount là Vingroup (mã HoSE: VIC). Kế đến là ông Hồ Anh Ngọc – Chủ tịch One Mount Group – là em trai ông Hồ Hùng Anh Chủ tịch Techcombank (HoSE: TCB).

Techcombank làm ăn ra sao?

Vào ngày 22/03/2023, hãng đánh giá tín dụng Moody’s xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) của Techcombank giảm từ Ba2 xuống Ba3 với triển vọng “tiêu cực”.

Moody’s cũng hạ xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi ngoại tệ LT (FC) và nội tệ (LC) của Techcombank từ Ba2 xuống Ba3. Bên cạnh đó, xếp hạng rủi ro đối tác nội – ngoại tệ (LC and FC Counterparty Risk Ratings – CRR) điều chỉnh từ Ba1 xuống Ba2. Đánh giá rủi ro đối tác nội tệ (LT Counterparty Risk Assessment – CR) cũng hạ từ Ba1 xuống Ba2. Đánh giá về triển vọng chuyển từ ổn định thành tiêu cực.

Việc hạ bậc tín nhiệm này do Moody’s dự báo tình hình khó khăn của ngành bất động sản ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ tín dụng độc lập của Techcombank khi đơn vị này tập trung nhiều vào lĩnh vực này.

Dù là đơn vị cho vay lĩnh vực bất động sản lớn nhất ngành ngân hàng, nhưng Techcombank vẫn không ngừng tăng tỉ trọng này. Nợ xấu năm 2023 của Techcombank bằng gấp đôi năm 2022 cũng một phần đến từ nguyên nhân này.

Năm 2023 là lần đầu tiên Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) sụt giảm lợi nhuận kể từ năm 2013. Trong năm 2023, Techcombank dành ra gần 177.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp BĐS vay, con số này chiếm hơn 35% tổng dư nợ, cao nhất trong các khoản cho vay. Số tiền mà Techcombank dùng cho vay BĐS lớn hơn vốn điều lệ của 4 ngân hàng nhà nước.

Trong Báo cáo tài chính Quý 2/2023, Vingroup liệt kê chi tiết các khoản vay nợ tài chính dài hạn, trong đó chủ nợ lớn nhất là Techcombank (TCB) với hơn 5.900 tỷ đồng.

Techcombank ‘không ngại’ cho vay BĐS, tiếp tục đẩy mạnh cho vay mua nhà trong năm 2024

Trước đó, ngày 11/3/2020, Techcombank thông báo hoàn tất thu xếp khoản tín dụng hợp vốn 1.200 tỷ đồng cho Công ty TNHH MNS Meat Sài Gòn thuộc Tập đoàn Masan nhằm tài trợ Dự án Tổ hợp Chế biến Thịt – Tập đoàn Masan tại Long An – Giai đoạn 1.

Ngoài cho vay, vài năm gần đây, Techcombank và chứng khoán Techcombank đóng vai trò thu xếp vốn chính cho Vingroup và Masan. Số liệu của VnDirect cho biết giá trị lên tới 50.000 tỷ đồng và liên tục tăng qua các năm.

Bên cạnh đó, vào tháng 11/2022, Hội đồng Quản trị Ngân hàng Techcombank đã có Nghị quyết phê duyệt cấp khoản tín dụng 1.500 tỷ đồng cho CTCP One Mount Distribution – một thành viên của Tập đoàn One Mount Group. Trước đó, HĐQT Techcombank cũng phê duyệt khoản tín dụng 1.000 tỷ đồng cho CTCP One Mount Group vào tháng 5/2022. Đây là khoản tín dụng có thời hạn 12 tháng nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động thương mại bán lẻ hàng tiêu dùng.

Có thể thấy, hệ sinh thái của các công ty/cá nhân có mối quan hệ “mập mờ” với Ngân hàng Techcombank luôn được ưu ái có được những khoản tín dụng khổng lồ, bất chấp thời điểm tín dụng bị siết chặt hoặc thị trường vào chu kỳ xầu.

Hệ sinh thái ngân hàng – doanh nghiệp là câu chuyện cũ, nhưng luôn là vấn đề mới trong hoạt động kinh doanh. Việc sở hữu một hệ giá trị “không dễ gì có” như một tấm đệm củng cố cho sức mạnh của một đơn vị nằm trong chuỗi.

Giữa các mắt xích trong hệ sinh thái với nhau là mối quan hệ “tương hỗ”. Ngân hàng đóng vai trò như một cổng tài chính đáp ứng nhu cầu vốn và thanh khoản của doanh nghiệp. Ngược lại ngân hàng cũng có lợi không nhỏ từ việc quản lý dòng tiền và lãi vay từ các doanh nghiệp. Không những thế, hệ sinh thái mang đến một nguồn lực dùng chung như nguồn vốn, khách hàng và quản trị mà đối tác này có thể tận dụng hoặc chia sẻ cho nhau.

Để mối quan hệ này được chặt chẽ, những tổ chức này thường nắm giữ cổ phần của nhau để tăng sự ràng buộc. Tuy nhiên vẫn không vượt quá các tỷ lệ được NHNN quy định. Ngoài Techcombank, có thể kể đến một số hệ sinh thái như: HDBank – VietJet hay SHB – Tập đoàn T&T.

Thế nhưng, việc liên kết này chỉ có thể đảm bảo an toàn nếu như mọi hoạt động tín dụng đều được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Còn bằng không, những phép thuật hô biến từng diễn ra như tại TrustBank, SCB sẽ có ngày được quay lại, và theo đó là hậu quả cực kỳ khôn lường đối với nền kinh tế.

Thành An

Bình luận (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.