Làm gì có cửa nào mà “chạy án”!

Những hành vi của ông Đỗ Hữu Ca, hay trước đó là của ông Hoàng Văn Hưng, những cá nhân mang tiếng “chạy án” nhưng thực tế chẳng hề tác động và cũng không bất cứ năng lực nào để tác động đến quá trình điều tra vụ án. Đó cũng chính là “điểm sáng” trong công tác điều tra, xử lý sai phạm thời gian qua.

Những phi vụ “chạy án” nhưng “ngồi không”

Chiều 20/2, VKSND tỉnh Quảng Ninh ra cáo trạng truy tố ông Đỗ Hữu Ca về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản a điều 4 Bộ Luật hình sự. Ông Ca bị cáo buộc không có khả năng giúp vợ chồng Trương Xuân Đước, 52 tuổi, không bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt nhưng đã gian dối hứa hẹn để chiếm đoạt 35 tỷ đồng.

Từ năm 2014 đến năm 2021, Đước và vợ Trương Thị Ngọc Anh đã lập, quản lý điều hành 26 công ty để mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng. Tháng 10/2022, biết tin Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra về công ty, Đước bỏ trốn và dặn vợ đến gặp ông Ca, người có mối quan hệ thân thiết với mình để nhờ vả.

Ông Đõ Hữu Ca khi chưa bị khởi tố, bắt tạm giam.

Từ năm 2014 đến năm 2021, Đước và vợ Trương Thị Ngọc Anh đã lập, quản lý điều hành 26 công ty để mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng. Tháng 10/2022, biết tin Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra về công ty, Đước bỏ trốn và dặn vợ đến gặp ông Ca, người có mối quan hệ thân thiết với mình để nhờ vả.

Theo cáo trạng, làm việc với cơ quan công an, ông Ca thừa nhận vợ chồng Ngọc Anh có mang 35 tỷ đồng đến nhà, song không thừa nhận cầm tiền chạy án vì “đã nghỉ hưu từ lâu, các mối quan hệ không nhiều, không còn khả năng chạy tội”.

Ông Ca khẳng định chưa tác động, chưa dùng 35 tỷ đồng để lo “chạy tội”. Ông nộp lại số tiền này.

Trước đó, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu, bị cáo Hoàng Văn Hưng cũng đã nhận bản án 20 năm tù cho hành vi “chạy án ảo”.

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng tại phiên tòa phúc thẩm xử vụ chuyến bay giải cứu.

Bản án nhận định Hoàng Văn Hưng (cựu trưởng phòng thuộc Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an) từng là điều tra viên thụ lý chính của vụ án chuyến bay giải cứu.

Khi được ông Nguyễn Anh Tuấn (cựu phó giám đốc Công an Hà Nội) liên hệ để giúp đỡ Nguyễn Thị Thanh Hằng (phó tổng giám đốc Công ty Blue Sky) và Lê Hồng Sơn (tổng giám đốc Blue Sky) “chạy án”, Hưng đã nhiều lần đến nhà ông Tuấn để trao đổi.

Tại các buổi gặp, điều tra viên Hoàng Văn Hưng tạo niềm tin cho Hằng và Sơn là sẽ giúp cả hai không bị xử lý hình sự. Tại những buổi gặp, ông Hưng hướng dẫn Hằng cách đối phó với cơ quan điều tra, và thông qua bà Hằng hướng dẫn ông Sơn cách khai để thoát tội.

Khi Hằng, Sơn chi tiền “chạy án”, Hoàng Văn Hưng đưa thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD, tương đương 18,8 tỉ.

Trong ngày bị đưa ra xét xử, cựu điều tra Hoàng Văn Hưng nhiều lần thừa nhận hành vi phạm tội và xin xét xử vắng mặt. Trước bục khai báo, Hoàng Văn Hưng cúi mặt, giọng nhỏ nhẹ nói “rất đáng tiếc và đau lòng với hành vi sai phạm của mình”.

Đừng ảo tưởng vào 2 chữ “chạy án”

Hiện nay, pháp luật không có quy định về khái niệm “chạy án” là gì. Tuy nhiên có thể hiểu “chạy án” là việc dùng mọi thủ đoạn để bóp méo, xoay chuyển vụ án theo hướng có lợi cho người phạm tội.

Hành vi này đã xâm phạm đến các chuẩn mực đúng đắn, quy trình hoạt động, trách nhiệm làm việc trong cơ quan tổ chức.

Đánh vào tâm lý của những người vướng vào vòng lao lý, muốn được giảm án hoặc để được cải tạo không giam giữ, không ít đối tượng được tiếp cận hoặc chủ động tiếp cận, “nổ” mình có chức vụ, có quyền hạn, có nhiều mối quan hệ, có thể “chạy án”.

Tuy nhiên, sau khi tạo được lòng tin và chiếm đoạt tiền của bị hại, các đối tượng này đã sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân, hoặc mục đích khác.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tội phạm lừa đảo qua hoạt động “chạy án”… có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội.

Trong đó, có thể kể đến như nhiều người dân thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, tin tưởng vào những vẻ ngoài hào nhoáng, tin vào những mối quan hệ của những đối tượng khoe mẽ về vị trí công tác.

Thực tế hiện nay cho thấy, trong nỗ lực đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, các Tỉnh thành đều đã thành lập các Ban Chỉ đạo riêng biệt có nhiệm vụ theo dõi, đốc thúc các vụ án hoặc thậm chí các hồ sơ sai phạm chưa thành vụ án. Mỗi vụ án đều có sự quan tâm, theo dõi của hàng loạt các cơ quan khác nhau, nên không thể có bất cứ một vài cá nhân hoặc nhóm lợi ích nào đủ sức tác động đến việc “chạy án”.

Chiều 01/02, Ban Nội chính Trung ương – Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) tổ chức buổi làm việc để thông báo kết quả Phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo. Năm 2023, Ban Chỉ đạo tiếp tục quan tâm đẩy mạnh, tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Năm 2023, đã xử lý kỷ luật hơn 270 cán bộ trong các cơ quan này do tham nhũng, tiêu cực; trong đó, đã xử lý hình sự gần 140 trường hợp và xử lý kỷ luật nhiều lãnh đạo các cơ quan thanh tra, bảo vệ pháp luật của địa phương.

Vì vậy, cho những ai vẫn còn ảo tưởng, làm gì có cửa nào nữa mà “chạy án”!

Thành An

Bình luận (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.