Trịnh Văn Quyết và chiêu “biến giấy thành tiền tươi” trên thị trường chứng khoán

Những chiêu trò tinh vi nhằm biến những giấy góp vốn khống thành tiền tươi, với sự trợ giúp của hàng chục bị can, kéo dài nhiều năm nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư trên sàn chứng khoán chắc chắn sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự “cấu kết” của cả những lãnh đạo các cơ quan có chức năng giám sát thị trường chứng khoán.

Giấy lộn thành nghìn tỷ

Ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC, cùng hai em gái ruột Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga và 5 người vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đề nghị truy tố về tội Thao túng chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết trước khi bị bắt.

Cùng vụ án, 13 người bị cáo buộc Thao túng thị trường chứng khoán, 22 người tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 7 người về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Theo kết luận điều tra, tháng 8/2012 ông Quyết đề nghị cấp dưới mua lại một công ty giải trí với giá 1,5 tỷ đồng song không đưa vào hoạt động ngay. Qua nhiều lần đổi tên doanh nghiệp này đổi thành Công ty CP Xây dựng Faros. Hai năm sau đó, Chủ tịch FLC chỉ đạo em gái cùng một số người khác lập, ký khống hồ sơ vốn góp để bắt đầu chiến dịch nâng khống vốn điều lệ cho Faros.

Với cương vị là Chủ tịch HĐQT đầu tiên, ông Doãn Văn Phương (Tổng giám đốc FLC, đã bỏ trốn) đã chỉ đạo việc ban hành các nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ, lập hồ sơ góp vốn khống, hạch toán kế toán, hợp thức việc góp vốn và sử dụng vốn góp khống, lập hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký, đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu, tương đương 4.300 tỷ đồng vốn điều lệ của Công ty Faros; để ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bán cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Chỉ đạo và trực tiếp ký các tờ trình, biên bản, nghị quyết của HĐQT để ra chủ trương về việc tăng vốn và đăng ký niêm yết cổ phiếu của Faros; trực tiếp ký hồ sơ, chứng từ khống để hợp thức hạch toán kế toán cho việc góp vốn khống tại Faros.

Cựu Tổng giám đốc FLC Doãn Văn Phương (áo trắng).

Một trong những mắt xích quan trọng khác ở Faros là Trịnh Văn Đại (em họ ông Quyết). Ông Đại được bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ruột ông Quyết) nhờ đứng tên làm Chủ tịch HĐQT Faros từ 2014. Song trên thực tế, bà Huế là người quản lý con dấu và điều hành mọi hoạt động.

Trong khi không tổ chức đại hội cổ đông nhưng với “mác” Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc, ông Đại đã ký khống các nghị quyết, hợp đồng, chứng từ, đứng tên cổ đông. Từ đó, bà Huế lấy làm căn cứ để nâng khống vốn điều lệ.

Trước khi Faros được niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, ông Đại đã trả lại hơn 46 triệu cổ phần đang đứng tên hộ cho ông Quyết. Việc này được hợp thức bằng 5 hợp đồng chuyển nhượng song không phát sinh thanh toán.

Hành vi của ông Đại bị cơ quan điều tra đánh giá đã giúp sức cho ông Quyết và động phạm nâng khống vốn điều lệ sau đó niêm yết, bán cổ phiếu để chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.

Cảnh sát khám xét trụ sở tập đoàn FLC, tối 29/3/2022.

Ngoài ra, C01 kết luận, từ năm 2016 đến 2022, còn có 187 người đứng tên đại diện pháp luật, nhân viên các công ty của hệ sinh thái FLC và người thân, bạn bè của ông Quyết có liên quan đến hành vi lừa đảo. Họ bị xác định đã ký các chứng từ như ủy nhiệm chi, giấy rút tiền, nộp tiền, séc, để nhóm ông Quyết làm thủ tục tạo dòng tiền khống. Mục đích của hành vi này để hợp thức, che giấu số vốn góp khống trước khi niêm yết của Faros.

Dù vốn thực góp ban đầu chỉ gần 1.200 tỷ đồng nhưng với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, từ tháng 4/2014 đến 9/2016, ông Quyết chỉ đạo em gái cùng một số người khác là lãnh đạo Công ty Faros 5 lần nộp hồ sơ góp vốn khống hơn 3.100 tỷ đồng.

Từ đó, vốn điều lệ của Faros tăng từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ. Lúc này, ông Quyết đưa ra kế hoạch biến Faros thành công ty đại chúng để niêm yết trên sàn chứng khoán Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Quãng đường này gặp nhiều cản trở do có mâu thuẫn về cơ sở xác định vốn thực góp, song ông Quyết đã được bốn lãnh đạo của HOSE giúp sức.

Lại là chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”

Cho đến thời điểm hiện tại, giới đầu tư đã biết tại sao lại có hiện tượng “con voi chui lọt lỗ kim”, với vụ thao túng chứng khoán Trịnh Văn Quyết và nhóm cổ phiếu FLC. Đây là vụ đáng chú ý hàng đầu trong lịch sử thị trường chứng khoán, xét cả về quy mô, sự lộ liễu và lặp đi lặp lại.

Kết quả điều tra bổ sung vụ ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán đã chỉ ra chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” và việc lãnh đạo HOSE “biết sai vẫn làm”, giúp Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh vai trò chỉ đạo của cựu lãnh đạo HOSE trước đó là Trần Đắc Sinh trong việc đưa Công ty Faros (ROS) nâng vốn khống nhưng được niêm yết trên HOSE, ông Trà (khi đó là Ủy viên HĐQT, Phó TGĐ thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết HOSE) đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Lê Hải Trà.

Cụ thể, ông Trà dù biết rõ báo cáo kiểm toán về tài chính của Faros có vi phạm bởi “chưa có căn cứ xác định số vốn thực góp”, trong quá trình thẩm định, ông Trà đã hai lần hội ý với các thành viên hội đồng niêm yết và đều thống nhất Faros chưa đủ điều kiện, yêu cầu công ty phải giải trình.

Nhưng 23/8/2016, khi Hội đồng niêm yết nhận được báo cáo giải trình của công ty, dù chưa có thời gian nghiên cứu nhưng trong cuộc họp trưa cùng ngày, ông Trà và các thành viên của hội đồng đã đồng ý với báo cáo này.

Sau đó, nhóm bị can tiếp tục đồng ý chấp thuận niêm yết đối với cổ phiếu của FLC Faros (ROS) dẫn đến hậu quả ông Quyết và đồng phạm được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp khống.

Tại Cơ quan điều tra, ông Sinh và ông Trà thừa nhận hành vi phạm tội và trình bày lý do giúp cựu Chủ tịch FLC là vì mối quan hệ quen biết và cũng muốn HOSE có doanh thu từ thu phí niêm yết, phí giao dịch chứng khoán.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án Thao túng chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, hôm 24/2. Trong đó, C01 lần đầu đề nghị truy tố 4 cựu lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM là ông Trần Đắc Sinh, cựu chủ tịch HĐQT; Lê Hải Trà, cựu ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết; Trầm Tuấn Vũ, nguyên Phó tổng giám đốc, Phó Chủ tịch hội đồng niêm yết, Lê Thị Tuyết Hằng, Giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên Hội đồng niêm yết.

Cả bốn bị can bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, riêng bà Hằng được tại ngoại.

Ngoài ra, 3 người khác bị đề nghị tội Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán là Lê Công Điền, Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam; Phạm Minh Trung, Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Ở đây có thể thấy rõ, những chiêu trò biến hóa dòng vốn, giấy tờ ảo của nhóm bị can tại FLC dù cho có tinh vi, trải qua thời gian dài, với sự tiếp sức của nhiều người đến thế nào thì cũng không thể qua mắt được cơ quan giám sát, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). Mà cụ thể là cá nhân ông Lê Hải Trà, một chuyên gia có đầy năng lực và kinh nghiệm trong thực tế đã phát hiện được hết những chiêu trò ma mãnh của nhóm FLC.

Nhưng đáng buồn thay, thay vì với trách nhiệm can thiệp, ngăn cản việc Faros được niêm yết, ông đã làm điều ngược lại. Đây chính là mắc xích quan trọng để nhóm FLC thẳng tiến đà vi phạm, thực hiện việc thao túng, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Thiệt hại về tài chính có thể bù đắp được, nhưng thiệt hại về lòng tin sẽ là rào cản cản trở tiềm lực của thị trường chứng khoán, khi cơ quan giám sát lẽ ra phải bảo vệ nhà đầu tư trước những thủ đoạn tinh vi, lại trực tiếp tiếp tay để những hành vi đó ngang nhiên diễn ra.

Các cá nhân vi phạm chắc chắn phải chịu những bản án thích đáng khi đứng trước tòa, nhưng có lẽ thị trường chứng khoán cần có cơ chế giám sát hữu hiệu hơn, mà trên hết là có chức năng ngăn cản các hành vi vi phạm pháp luật trước khi chúng được phép diễn ra.

Thành An

Bình luận (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.