Cách bà Trương Mỹ Lan “vung tiền” thao túng Đoàn Thanh tra, Giám sát Ngân hàng

Bằng hàng loạt chiêu bài tâm lí như lấy lòng tin, vung tiền sau đó là thao túng tâm lí của thuộc cấp và cả Đoàn Thanh tha, giám sát Ngân hàng đã giúp bà Trương Mỹ Lan dễ dàng bưng bít, bỏ qua những sai phạm trong đại án Vạn Thịnh Phát.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (Ảnh chụp sáng 7/3/2024).

Sáng 7/3, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử với bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 đồng phạm.

Nói về những thủ đoạn tinh vi của bà Trương Mỹ Lan để rút ruột hàng nghìn tỷ đồng, có lẽ chúng ta không thể bỏ qua màn thao túng tâm lí, mua chuộc hàng loạt cá nhân từ lớn đến nhỏ nhằm giúp bà có thể che giấu thực trạng đặc biệt yếu kém và các sai phạm tại SCB.

Màn vung tiền thao túng thuộc cấp

Trương Mỹ Lan đã tuyển chọn, đưa các cá nhân thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của Lan vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB (Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc các Chi nhánh lớn, Trưởng Ban kiểm soát), trả mức lương cao từ 200 đến 500 triệu đồng/tháng; tặng, thưởng tiền, cổ phần SCB, để thông qua các cá nhân này điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB.

Ngày thứ ba của phiên tòa xét xử, HĐXX bắt đầu xét hỏi các bị cáo.

Chưa dừng lại, thậm chí có những cá nhân như Phạm Thu Phong giữ vai trò Trưởng Ban kiểm soát Ngân hàng SCB, sau khi thực hiện hàng loạt phi vụ phi pháp cho bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB 90.317 tỷ đồng. Đến khi nghỉ việc, bà Trương Mỹ Lan thậm chí đã hào phóng cho Phạm Thu Phong 20 tỷ đồng nhằm bưng bít sự việc.

Phi vụ 5 triệu USD trong 3 thùng xốp

Trong số 86 bị cáo bị đưa ra xét xử, cùng với bị cáo Trương Mỹ Lan còn có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB, 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước, ba cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ, một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố.

Trong số đó, đáng chú ý có bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II-Ngân hàng Nhà nước bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố tội “Nhận hối lộ” số tiền 5,2 triệu USD từ bị cáo Trương Mỹ Lan, theo khoản 4 điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đến nay, bị cáo Nhàn đã khắc phục 4,8 triệu USD và hơn 10 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, quá trình Ngân hàng Nhà nước thanh tra tại Ngân hàng SCB, trong hai lần thanh tra vào năm 2017 và 2018, kết quả thanh tra thực tế của Đoàn Thanh tra xác định thực trạng tài chính Ngân hàng SCB rất xấu, các chỉ số đều nằm trong báo động đỏ.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn.

Để che giấu thực trạng đặc biệt yếu kém và các sai phạm tại SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Trưởng đoàn Thanh tra là Đỗ Thị Nhàn; đồng thời chỉ đạo cựu Tổng Giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn đưa cho bị cáo Nhàn 5,2 triệu USD.

Thực hiện theo chỉ đạo của bà Lan, Văn cùng lái xe riêng của mình nhiều lần dùng ôtô chở tiền đến hối lộ bà Nhàn tại phòng làm việc trong trụ sở Ngân hàng Nhà nước và nhà riêng. Trong đó có 3 lần đưa 5 triệu USD được chất đầy 3 thùng xốp đựng hoa quả do Văn chở đến. Sau mỗi lần đưa tiền cho Nhàn, Văn đều thông báo cho bà Lan biết.

Ngoài việc đưa tiền hối lộ cho bà Nhàn, Võ Tấn Hoàng Văn còn khai nhận là người trực tiếp đưa tổng cộng 390.000 USD cho Nguyễn Văn Hưng (khi đó là Phó chánh thanh tra Cơ quan TTGSNH) vào các dịp lễ, Tết và các lần ra Hà Nội công tác năm 2018. Văn còn trực tiếp và chỉ đạo nhân viên dưới quyền tại SCB đưa tiền, quà bồi dưỡng cho thành viên đoàn thanh tra từ vài chục triệu đến vài nghìn USD.

Hiện tại, phiên xét xử vụ án của Vạn Thịnh Phát vẫn đang diễn ra, dự kiến kéo dài từ ngày 5-3 đến ngày 29-4. Tuy nhiên, chủ tọa cho biết tùy diễn biến thực tế mà phiên tòa có thể kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài hơn dự kiến. Nếu cần thiết vẫn sẽ làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật.

Bảo Trâm

Bình luận (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.