“Mỡ cá rán cá”: Techcombank có là bên châm lửa?

Như một bức tranh sinh động về thủ đoạn tinh vi, hành vi chiếm đoạt tài sản công để chuyển hóa thành tài sản tư thường được mô tả là “lấy mỡ cá rán cá”, tức biến cái có sẵn (công) thành cái khác (tư). Thế nhưng, không tự nhiên “mỡ cá” có thể “rán cá”, cần tối thiểu phải có chất xúc tác là “lửa”. Và đây là điều mà có thể nhiều vụ việc nghiêm trọng đã bỏ qua…

“Mỡ cá rán cá” trong vụ án Vinafood 2

Ngày 27/10/2023, Công an TP.HCM cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với ông Huỳnh Thế Năng (cựu tổng giám đốc Vinafood 2) để điều tra về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ông Đinh Trường Chinh (cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại – quảng cáo – xây dựng – địa ốc Việt Hân) cùng bị khởi tố về tội danh trên.

Theo Công an TP.HCM, căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được, xác định ông Năng và ông Chinh đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng khu đất số 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé (quận 1, TP.HCM), gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.


Khu đất 34-36-42 Chu Mạnh Trinh vào tháng 1/2021

Việc 4 lô đất vàng giữa trung tâm TP.HCM đang thuộc sở hữu nhà nước (Thông qua Tổng công ty Vinafood 2) trở thành sở hữu tư nhân (Công ty Việt Hân Sài Gòn, Vinafood 2 chỉ giữ 20% cổ phần) được thực hiện theo thủ đoạn không mới.

Trong kết luận về sai phạm tại dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM ban hành vào năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Vinafood 2 trong chuyển đổi đất công thành đất tư.

Năm 2010, sau khi được TP.HCM giao 4 cơ sở nhà đất nêu trên, Vinafood 2 đã liên kết, góp vốn với Công ty TNHH quảng cáo, xây dựng, địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) thành lập Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại trên khu đất hơn 6.200m2 được TP.HCM giao theo dạng nộp tiền sử dụng đất một lần.

Quá trình hợp tác lòng vòng giữa Vinafood 2 và Công ty Việt Hân trong chuyển nhượng đất đai, thoái vốn nhà nước có nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước. Đáng lưu ý, trong quá trình hợp tác với nhà đầu tư tư nhân, chuyển đổi đất công thành đất tư, Vinafood 2 đã bốn lần cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo đề xuất của Vinafood 2, Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc cho Vinafood 2 thực hiện phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà đất.

Nhưng trong quá trình sắp xếp đất đai, Vinafood 2 đã 4 lần cố tình làm trái chỉ đạo của Thủ tướng.

Đó là, Vinafood 2 không thực hiện lập lại phương án sắp xếp 4 cơ sở nhà đất theo quyết định 09 năm 2007 của Thủ tướng để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, trình Thủ tướng quyết định; Vinafood 2 tự ý liên kết hợp tác với Công ty Việt Hân, không lập thủ tục liên kết, góp vốn trình Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính thẩm định trước khi trình Thủ tướng quyết định.


Bị can Đinh Trường Chinh (trái) và Huỳnh Thế Năng

Hiểu một cách đơn giản, Vinafood 2 liên kết với Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân để thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn thực hiện Dự án với vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Trong đó, đối tác góp 80% vốn bằng tiền mặt, Vinafood 2 góp 20% bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất và một phần quyền sử dụng đất của khu đất.

Khi đối tác chuyển 80% vốn góp bằng tiền mặt (570 tỷ đồng), tháng 12/2015, Vinafood 2 đã chuyển nhượng nốt 20% phần vốn nhà nước (trị giá 160 tỷ đồng, gồm sổ đỏ và tài sản trên đất) cho đối tác.

Như vậy, gần 6.300 m2 đất vàng công sản đã rơi tay tư nhân, với tổng giá trị chỉ 730 tỷ đồng mà không qua đấu giá. Sau đó mảnh đất lại tiếp tục “sang tay” nhiều tổ chức và bị “thổi” lên gần 7.300 tỷ đồng chỉ sau 11 tháng.

Câu hỏi đặt ra, số tiền 80% vốn bằng tiền mặt (570 tỷ đồng) do Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân để thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn có nguồn gốc từ đâu?

Không thể thiếu “lửa”!

Theo kết luận thanh tra số 2099/BC-TTCP ban hành ngày 2/12/2020 của Thanh tra Chính phủ, Vinafood 2 đã ký Hợp đồng thế chấp số CIB2015.0022/HĐTC ngày 6/3/2015. Hợp đồng thế chấp này không có chứng nhận của công chứng, cũng không đăng ký giao dịch đảm bảo.

Theo Thanh tra Chính phủ, tổng giá trị tài sản đảm bảo bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB 971073 (khu đất số 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh) được định giá là 696,470 tỷ đồng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Techcombank. Sau đó, Techcombank đã giải ngân cho chủ đầu tư hơn 518 tỷ đồng vào ngày 9/3/2015. Đến tháng 12/2015, Vinafood 2 đã trả hết nợ gốc và lãi vay gần 550 tỷ đồng.


Ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank.

Như vậy, thực chất trong khoảng thời gian từ tháng 03/2015 đến tháng 12/2015, Vinafood 2 đã có trong tay 518 tỷ đồng tiền mặt. Cùng trong thời gian đó, đối tác của Vinafood 2, là Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân của đại gia Đinh Trường Chinh, cũng bất ngờ có được số tiền 570 tỷ đồng tiền mặt để góp vốn cùng Vinafood 2.

Liệu có điều gì tương đồng giữa 2 số tiền trên không? Cơ quan điều tra chắc chắn sẽ phải làm rõ nguồn gốc số tiền (570 tỷ đồng) mà ông Đinh Trường Chinh có để góp 80% vốn. Thế nhưng, ở đây có 2 chữ “nếu”.

Nếu “số 1”, đó là số tiền do ông Đinh Trường Chinh và Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân huy động được thông qua hoạt động làm ăn kinh doanh bình thường.

nếu “số 2”, nguồn gốc số tiền có liên quan đến khoản vay của Vinafood 2 với ngân hàng Techcombank.

Thực tế cho thấy, việc cho vay của ngân hàng Techcombank đối với khu đất thuộc quyền sở hữu của Vinafood 2, về cơ bản là có sai phạm trong hoạt động tín dụng. Hợp đồng thế chấp này không có chứng nhận của công chứng, cũng không đăng ký giao dịch đảm bảo.

Sai phạm này về thực tế đã không phát sinh bất cứ thiệt hại nào vì Vinafood 2 đã sớm tất toán toàn bộ dư nợ và lãi gốc. Thế nhưng, nếu như không có sai phạm này, và cũng nếu như nguồn gốc số tiền góp vốn của ông Đinh Trường Chinh không đến từ năng lực huy động vốn hợp pháp. Vậy thì nếu thiếu “lửa”, liệu chăng “mỡ cá” có thể tự “rán cá” được không?

Tác giả: Thành An

Bình luận (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.